Vấn đề Tâm Lý và Sức khỏe của các Du Học Sinh Việt Nam tại nước ngoài
Để đáp ứng nhu cầu về mặt trí thức cũng như tăng cao khả năng có công việc ổn định trong tương lai, việc du học không còn là chủ đề xa lạ đối với học sinh Việt Nam. Theo thống kê của tổ chức VGP, Việt Nam đứng số 6 trong các Quốc Gia đứng đầu về số lượng học sinh Quốc Tế tại Mĩ, hơn 21,631 học sinh đang học tập tại các tổ chức và trường học năm 2020-2021.
Không chỉ vậy, số lượng học sinh Việt Nam cũng tập trung đông đảo tại các Quốc Gia khác như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Có thể nói rằng Việt Nam là một trong những đất nước với số lượng Du Học Sinh tăng cao nhất trong các năm gần đây.
Nhưng việc đến với một đất nước xa xôi, rời khỏi nơi lớn lên và vòng tay của cha mẹ luôn là bước đi lớn và nguy hiểm trong đường đời của các bạn trẻ. Chúng ta không còn xa lạ với những câu chuyện về các anh chị sinh viên ăn mì tôm qua ngày, nhớ văn hoá, con người, nhớ gia đình, những video nhiều lời than thở, nước mắt.
Từ một người con bỗng chốc chúng ta phải trở thành người lớn sớm hơn một chút, phải tự lo cho chính mình. Đôi khi quay về căn phòng kí túc xá, nhận ra sẽ chẳng có ai đứng sau cánh cửa kia đón mình đi học về mới biết thế nào là cô đơn.
Có người từng nói với tôi rằng "Cái giá phải trả cho một nền tảng kiến thức phồn vinh là một lỗ hổng về trong tim không hề nhỏ."
Nhưng tôi không đồng ý, vì vốn dĩ tôi không đơn độc.
Tôi tự nhủ với chính mình rằng tôi sẽ tìm được các mối quan hệ, những việc làm để giúp chính mình vượt qua khó khăn. Thực tế mà nói, nó rất khó. Tôi đã quen thấy bóng của mẹ trong bếp, rồi những ngày xuống nhà mở cửa đón ba đi làm về. Tôi nhớ đứa em trai của mình. Giờ mỗi người một nơi, cũng hết những điều để nói, dần tôi và lũ bạn thân của mình lại càng xa nhau hơn.
Nhưng nếu tôi đã dám bước ra khỏi Việt Nam để trở thành một người tốt hơn, thì chẳng có cớ gì tôi lại phải để những thói quen và kí ức tại Việt Nam kéo mình lại.
Nó khó đấy. Nhưng không có gì là không thể.
Chỉ trong 3 tháng, tôi đã có thể tự tin bước trên con đường mới không còn gia đình bên cạnh.
Vậy Du Học Sinh nên làm gì khi làm quen với một môi trường xa lạ?
Tham gia các câu lạc bộ
Con người chúng ta thường có Tâm Lí đồng cảm và sẻ chia với những người có chung sở thích và suy nghĩ. Khi tham gia một câu lạc bộ mà bạn thích, bạn sẽ được gặp những người cùng chung đam mê với mình. Các câu lạc bộ là nơi bạn có thể dễ dàng có bạn nhất.
Thiết lập mối quan hệ tốt với giáo viên trong trường.
Dựa trên nghiên cứu của Yale Center for Emotional Intelligence của đại học Yale, những học sinh có mối quan hệ tốt với giáo viên sẽ có khả năng học tập hiệu quả và động lực vững vàng hơn. Khi bạn thiết lập một mối quan hệ với giáo viên, bạn sẽ có được một người để chia sẻ và đóng vai trò cha mẹ (Parental Figure) trong thời gian xa gia đình.
Luyện tập khả năng ngôn ngữ.
Hãy học cách giao tiếp với các bạn bè trong lớp. Nếu bạn đã phát âm Tiếng Anh ổn, hãy theo dõi các chủ đề mà bạn bè hay nói đến; chủ động tham gia, bắt chuyện. Nghe có vẻ đáng sợ đấy, nhưng tin tôi đi. Họ sẽ thích bạn hơn nếu bạn là người chủ động.
Tránh xa những người làm bạn tự ti.
Dù việc làm bạn với người khác khá quan trọng, bạn không bao giờ được để người khác làm tổn thương mình. Hãy nên nhớ, thà không có bạn còn hơn có bạn xấu. Nếu bạn không thể lên tiếng bảo vệ bản thân, hãy lặng lẽ tránh xa họ. Sức khỏe Tâm Lí của bạn phải được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu.
Tham gia các công tác từ thiện.
Việc làm từ thiện không những sẽ làm cho hồ sơ của bạn đẹp hơn, đó là nơi bạn sẽ tìm được những cộng đồng chung chí hướng lành mạnh. Hãy tìm những công việc từ thiện hợp với sở thích của mình, như đi dọn rác, chăm sóc chó mèo, giúp đỡ trẻ em và người già v...v... Những đồng nghiệp của bạn có thể sẽ trở thành những người bạn thân mới.
Dành thời gian cho chính mình.
Việc kiếm những mối quan hệ có thể làm giảm thời gian bạn có cho bản thân. Dựa theo công thức SEL của Tâm Lí Học, bạn nên dành ra thời gian để ý và chăm sóc cho cảm xúc của mình. Nếu bạn quên đi Tâm Lí của bản thân, bạn sẽ dễ dàng bị quá tải, dẫn đến việc không thể kiểm soát được cảm xúc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tìm đến một bác sĩ Tâm Lí (Therapist).
Đừng hiểu lầm, việc có bác sĩ Tâm Lí không có nghĩa bạn có vấn đề về Tâm Lí. Nhiều người ở các nước Châu Mĩ và Châu Âu thường đến gặp các chuyên gia Tâm Lí để có người tâm sự, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui. Bạn có thể tìm hiểu những nơi có dịch vụ Trị Liệu Tâm Lí qua bảo hiểm của mình, giúp giảm chi phí đáng kể. Các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu bản thân mình hơn, phân tích các cảm xúc và nhắc nhở bạn cách yêu thương và trân trọng chính mình.
Tham gia các cộng đồng học sinh Quốc Tế.
Đại đa số các trường học sẽ có những Câu Lạc Bộ, hoặc ít nhất là những quần thể sinh viên- học sinh cũng là Du Học Sinh. Họ là những người sẽ hiểu rõ nhất về cảm xúc của bạn. Hãy tìm đến những cộng đồng này để giúp bạn không còn cảm giác đơn độc trong trải nghiệm xa nhà. Bạn có thể tìm thêm thông tin về các Du Học Sinh trên website của trường, hoặc hỏi một giáo viên/ nhân viên để biết thêm chi tiết.
Yêu bản thân.
Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình làm quen với môi trường Du Học. Đừng bao giờ quên rằng bạn là người đặc biệt nhất trong cuộc sống của chính mình, và chỉ có bạn mới gây ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của bản thân.
Hãy cân bằng thời gian hợp lí, ăn uống khoa học và theo dõi sức khỏe của chính mình. Luôn luôn nhớ đăng bạn không đơn độc. Có những học sinh Du Học ngoài kia hoàn toàn hiểu cảm xúc của bạn, và Mentality Vietnam sẽ luôn bên bạn khi cần.
Chúng tôi chỉ cách xa bạn 1 chiếc email mà thôi.
Nguồn/ sources:
VGP- http://www2.chinhphu.vn/portal/page/portal/English
Thống Kê Du Học Sinh Việt Nam- https://www.educationfair.nl/market-reports/asia/vietnam/
SEL- https://casel.org/fundamentals-of-sel/
Yale Center for Emotional Intelligence- https://ycei.org